Xã Dũng Tiến, nằm ở phía đông bắc huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, cách trung tâm huyện 9km. Phía đông giáp Quốc lộ 10 và xã Giang Biên; phía tây giáp xã Trung Lập; phía nam giáp xã Việt Tiến; phía Bắc giáp sông Luộc, ranh giới tự nhiên giữa huyện Vĩnh Bảo và huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Diện tích tự nhiên: 838,79 ha. Dân số 9454 người, theo số liệu điều tra năm 2022, phân bố ở 5 làng: Đồng Quan, Xuân Bồ, An Bồ, Đan Điền, Cự Lai.
Cùng với truyền thống cần cù lao động, Dũng Tiến còn nhân dân trong vùng nhắc tới là một điểm sáng về truyền thống văn hóa giáo dục, truyền thống đấu tranh giữ nước và truyền thống cách mạng hào hùng.
Về truyền thống văn hóa giáo dục, người Dũng Tiến tài hoa, sáng tạo, yêu cái đẹp và luôn có ý thức giữ gìn di sản văn hóa của cha ông. Hiện tại, nhân dân Dũng Tiến vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý báu, được bảo tồn trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, tại các di tích lịch sử văn hóa: Chùa Bảo Quang, làng Đồng Quan, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, chùa Bảo Phúc, làng An Bồ, đình làng Cự Lai, đình làng Thượng Lộc- Đan Điền, đình làng Đồng Quan, di tích lịch sử cấp thành phố, chùa Bảo Khánh, làng Xuân Bồ…
Dũng Tiến, cũng là địa phương có truyền thống hiếu học, và có nhiều người thành danh trong học tập thi cử. Thời phong kiến, tiêu biểu là cụ Đào Văn Hiển, đỗ tiến sỹ đồng xuất thân khóa thi năm Quý Mùi, 1463. được phong tới chức thượng thư bộ Hình. Cụ cũng là một trong những người có công lớn, giúp vua Lê Thánh Tông, xây dựng bộ luật Hồng Đức, một thành tựu nổi bật, một mốc son không thể phai mờ, trong lịch sử lập pháp Việt Nam.
Tiếp nối truyền thống của cha ông, trong giai đoạn mới, nhiều người con Dũng Tiến tiếp tục ghi danh mình vào vị trí những người thành đạt, trong học tập và nghiên cứu khoa học. Có thể kể đến những tấm gương sáng: Tiến sỹ Đỗ Vương Hoành, chuyên ngành vật lý chất rắn, viện hàn lâm khoa học Việt Nam; tiến sỹ Hoàng Thu Oanh, nguyên giảng viên ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, một trong những người có công thành lập trường tiếng Việt tại Ba Lan, đồng thời là trường tiếng Việt đầu tiên tại châu Âu, giáo sư tiến sỹ Vũ Văn Trường trưởng nhóm nghiên cứu “cơ học lưu chất ứng dụng” đại học Phenikaa, người có nhiều công trình công bố trên tạp chí quốc tế...
Về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, Người Dũng Tiến với tình cảm gắn bó máu thịt với quê hương đất nước, đã tự nguyện dấn thân vào các cuộc đấu tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc, như một lẽ tự nhiên.
Thời phong kiến, tiêu biểu có: Quận công Phạm Viết Kính, làng Đồng Quan (thời Mạc), Tướng công Vũ Đăng Dũng, làng Cự Lai (thời Trần). Đó là những dũng tướng, được các triều đại đương thời lưu danh, và được nhân dân địa phương phụng thờ, với lòng biết ơn sâu nặng.
Trong thời kỳ đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng. 1945, nhiều người con Dũng Tiến, đã sớm đứng vào hàng ngũ lãnh đạo cách mạng. Tiêu biểu, phải kể đến các cụ: Phạm Trung Bỉnh, Phạm Trung Đương, Phạm Trung Phách, Phạm Trung Vũ, Phạm Trung Chương, lão thành cách mạng. Các cụ: Hoàng Văn Thân, Tạ Hữu Khánh, cán bộ tiền khởi nghĩa. Chi bộ đầu đầu tiên của xã, được thành lập ngày 3/12/1946 với ba đảng viên đầu tiên: đồng chí Hoàng Văn Thân, đồng chí Tạ Hữu Sáu, và đồng chí Phạm Trung Phách. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Dũng Tiến, nổi tiếng với các trận chiến đấu: trận đầu Đầu Đầm, cướp thuyền quân lương của giặc, năm1946, trận chống càn Cự-Điền vang dội ( năm 1952), góp phần đẩy thực dân Pháp đến thất bại nhục nhã, tại chiến trường Điện Biên Phủ. Với những thành tích đã đạt được, xã Dũng Tiến vinh dự được nhà nước tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp”.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, và chiến tranh biên giới, bảo vệ tổ quốc, xã Dũng Tiến có 27 bà mẹ, được truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Dũng Tiến, cũng đóng góp vào hàng ngũ sỹ quan cao cấp QĐND Việt Nam các thời kỳ, với những cá nhân tiêu biểu: thiếu tướng Trịnh Vương Hồng, nguyên viện trưởng viện lịch sử Quân sự Việt Nam, đại tá Vũ Xuân Sinh. nguyên phó cục trưởng cục dân quân tự vệ, đại tá Hoàng Thanh Vận, cục quân huấn bộ tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam; thiếu tướng Đỗ Hồng Đó, chính ủy Cảnh sát biển vùng III…
Có thể khẳng định, Dũng Tiến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa giáo dục, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, và truyền thống cách mạng. Tự hào về quê hương mình, tuổi trẻ Dũng Tiến nguyện tiếp tục nỗ lực, học tập, rèn luyện và tu dưỡng, để xứng đáng là thế hệ kế cận, góp phần đưa quê hương phát triển, lên một tầm cao mới.