Khi làm cha làm mẹ, đã bao lần ta nuốt nước mắt, tức nghẹn vào trong và tự hỏi lòng mình rằng: “Dạy con khó đến vậy sao?”; từng rối bời với suy nghĩ: “Liệu con có coi cha mẹ như cây ATM, trong khi ta không thể đáp ứng hay “chiều” con vô điều kiện, và cha mẹ có thể nên dành cho con điều gì?”.
Hay rất nhiều khi, cha mẹ cũng băn khoăn bối rối trước những câu chuyện và khoảng cách về thế hệ, trăn trở trước những thay đổi của thời thế, của những sự thật sớm muộn sẽ phơi bày giữa cuộc đời con…
Có khi, chính cha mẹ nhìn lại cái thời còn non trẻ, còn nhiều lúc chông chênh, lạc lõng, đi giữa những thái cực hân hoan với buồn bã, tự tin với kiêu ngạo, hiếu thắng với rụt rè… Và đó vốn là những xúc chạm tương tự mà mỗi thế hệ đều phải đối mặt, trải qua. Hay chăng, dưới lăng kính nhìn đời, đọc vị của người làm cha làm mẹ, họ đúc rút những bài học đã học được, nhận ra những điều có thể tránh được, và có nhiều điều cần nhắn nhủ, hướng tới con.
Từ thấu hiểu đến gom nhặt những trải nghiệm lẫn cảm nghiệm trong hành trình làm cha mẹ và nuôi dạy con cái - đó vốn là hành trình song hành và luôn cần nhìn lại, tác giả Nguyễn Thị Vân Trang đã gửi gắm tất thảy những nỗi niềm đó vào cuốn sách Lá thư dưới gối.
Nếu chương đầu tiên Gia đình là những mảnh ghép nền tảng đầu tiên, là điều đáng giá nhất mà cha mẹ có thể dành cho con, thì chương 2 Bước ra đời mang đến những cẩm nang sống được đúc rút từ cha mẹ. Để qua đó, con sẽ học cách trưởng thành qua những lần nhìn nhận, những thử thách, cả những tổn thương mà cuộc đời khiến cho con có được bài học cần phải học. Còn chương 3 gồm Các giá trị sống là lời nhắn nhủ về vẻ đẹp của sự tự do, đến từ việc sống cuộc đời do chính con tự quyết. Biết chấp nhận cách sống trung thực như một cái cây ngay thẳng, điềm tĩnh. Biết thực hành lối sống thực tế, khi con biết sở hữu và phân loại 4 chiếc lọ trong việc quản lý tài chính cá nhân một cách khôn ngoan lần lượt là: Thiết yếu, tiết kiệm, đầu tư và hưởng thụ.
Và chương cuối cùng Hãy sống cuộc đời như con mong muốn mang đến những ghi nhớ nằm lòng rằng, thái độ dệt nên tính cách, tính cách dệt nên số phận; và bí quyết để bản thân trở nên “giàu có” theo cách diễn giải thấu tình đạt lý, hãy nên “giàu tình cảm gia đình, giàu có trong nội lực, giàu có để làm nhiều hơn những điều tốt đẹp.”
Là một cuốn sách chứa đựng những bài học chân thành làm hành trang sống, Lá thư dưới gối tiếp thêm nội lực cho con vững bước giữa cuộc đời, hướng tới trở thành một người tử tế và sống hạnh phúc; vừa như mở ra một diễn đàn để các bậc làm cha mẹ có thể trải lòng về những thấm thía, nỗi niềm từ quá trình “nuôi con không khó nhọc bằng dạy con”.
Và nếu “nuôi dạy con cái là một việc mà kết quả chỉ nhiều năm sau mới thấy” thì bạn đọc có thể cùng cảm nghiệm về hành trình đó qua cuốn sách này.
Đặc biệt, lợi nhuận từ việc phát hành sách Lá thư dưới gối cùng sự góp sức của độc giả sẽ được tác giả làm nên Dự án áo ấm mang tặng 810 áo ấm cho các cháu bé tại Hòa Bình và Kon Tum.
- Tổng hợp -